Đâu là quốc gia hạnh phúc nhất thế giới năm 2016?

2025-01-17 20:03:21

Kết quả xếp hạng quốc gia hạnh phúc nhất thế giới năm 2016

Đan Mạch là quốc gia hạnh phúc nhất thế giới năm nay

Báo cáo được tổ chức Mạng lưới Các giải pháp phát triển bền vững (SDSN) của Liên Hợp Quốc phối hợp thực hiện với Viện Nghiên cứu Trái Đất thuộc trường Đại học Columbia (Anh). Bảng xếp hạng năm nay được công bố tại Rome (Italia), sau khi khảo sát 156 quốc gia trên toàn thế giới.

Theo đó, xếp ngay sau Đan Mạch (hạng 1) và Thụy Sĩ (hạng 2) trên bảng xếp hạng lần lượt là Iceland, Na Uy và Phần Lan. Từ năm 2013, khi bảng xếp hạng bắt đầu được thiết lập, Đan Mạch giành ngôi đầu ở 3/4 lần.

Kết quả khảo sát cho thấy: công dân Burundi là những người ít hài lòng với cuộc sống hiện tại nhất, trong khi người dân ở Syria (đồng hạng 156), Togo (hạng 155), Afghanistan (hạng 154) và Benin (153) cũng không có mấy khác biệt.

Siêu cường Mỹ chỉ đứng thứ 13 trong bảng xếp hạng, thua kém một loạt các quốc gia Canada, Hà Lan, New Zealand, Australia, Thụy Điển, Israel và Áo theo thứ tự xếp hạng tương ứng từ 6–12. Đức ở vị trí thứ 16, trong khi các siêu cường khác: Anh (hạng 23), Nhật Bản (hạng 53), Nga (hạng 56) và Trung Quốc (hạng 83) lại càng kém hơn.

Một số nước gặp phải khủng hoảng về kinh tế và chính trị như Hy Lạp, Italia, Tây Ban Nha; hay đang chìm trong tình trạng bất ổn như Ukraine đều bị tụt hạng đáng kể trong bảng xếp hạng các quốc gia hạnh phúc.

Tầm quan trọng của chỉ số hạnh phúc

Tuổi thọ cao là một trong những yếu tố khiến con người cảm thấy hạnh phúc

Có ít nhất 7 yếu tố khiến người dân cảm thấy hạnh phúc: tuổi thọ cao; sự trợ giúp từ phía xã hội; mức độ tự do để đưa ra quyết định trong cuộc sống; tỷ lệ tham nhũng thấp; lòng hảo tâm; công bằng xã hội và bình quân Tổng sản phẩm quốc dân (GDP) trên đầu người cao.

“Việc đánh giá về mức độ hạnh phúc trong nước, cũng như cách thức tìm kiếm hạnh phúc nên được đưa vào chương trình nghị sự của từng quốc gia, mỗi khi họ muốn theo đuổi mục tiêu phát triển bền vững” – ông Jeffrey Sachs, người đứng đầu chương trình khảo sát, khẳng định.

Ông Sachs nhấn mạnh thêm: “Thật vậy, chính các mục tiêu đó thể hiện những ý tưởng mà con người muốn thực hiện để đạt được hạnh phúc, thông qua tiếp cận toàn diện, kết hợp các mục tiêu kinh tế, xã hội và môi trường”.

“Thay vì chỉ tiếp cận một cách hạn hẹp, chỉ tập trung vào tăng trưởng kinh tế, chúng ta cần thúc đẩy xã hội thịnh vượng, cũng như môi trường bền vững” – Giám đốc của Viện Nghiên cứu Trái Đất thuộc trường Đại học Columbia tuyên bố.

Hạnh phúc đâu chỉ là tiền bạc

Tính cộng đồng cao là một trong những yếu tố mang lại cảm giác hạnh phúc cho người dân Na Uy

Cả Iceland (hạng 3) và Ireland (hạng 19) vừa trải qua khủng hoảng ngân hàng, khiến nền kinh tế của họ bị ảnh hưởng đáng kể. Tuy nhiên, chỉ số hạnh phúc của các nước này vẫn ở vị trí cao, do người dân nhận được nhiều hỗ trợ từ phía xã hội.

Theo chuyên gia John Helliwell của Đại học Columbia – thành viên nhóm thực hiện cuộc khảo sát, việc quá tập trung vào vấn đề tài chính có thể tác động không tốt tới bức tranh toàn cảnh về mức độ hạnh phúc: “Tại Na Uy (hạng 4), người ta vẫn hay sơn nhà hộ nhau, dù cho tất cả đều đủ khả năng tài chính để tự mình làm điều đó”.

“Họ đi ra ngoài để giúp đỡ lẫn nhau, và tinh thần này dần tạo nên những sự kiện mang tính cộng đồng, nơi người dân cảm thấy vô cùng hạnh phúc” – ông Helliwell nhấn mạnh. Theo chuyên gia này, khi một người có đủ khả năng để mua một thứ gì đó cho bản thân và cho người khác, hạnh phúc sẽ lan tỏa nhiều hơn.

Tình trạng bất bình đẳng

Nụ cười hạnh phúc của các em nhỏ Bhutan

Báo cáo chỉ ra rằng: càng ít xảy ra bất bình đẳng, người dân càng hạnh phúc. Tuy nhiên, tình trạng bất bình đẳng đã tăng lên đáng kể “ở hầu hết các nước và vùng lãnh thổ trên thế giới”, nếu so sánh số liệu của các năm trước.

Bhutan – quốc gia nhỏ bé nổi tiếng với việc tính Tổng hạnh phúc quốc dân (GNH) – xếp hạng 1 về mức độ bình đẳng, tiếp theo đó là Comoros và Hà Lan. Ngược lại, các nước: Nam Sudan, Sierra Leone và Liberia lại để xảy ra tình trạng bất bình đẳng nghiêm trọng nhất.

Bất bình đẳng là khi trong cùng một đất nước, có những người quá giàu nhưng cũng có nhiều người lại nghèo đói đến cùng cực; hoặc khi một người có nhiều tiền nhưng không san sẻ, trợ giúp cho bạn bè hay xã hội – chuyên gia Helliwell cho hay.

Sự ra đời của GNH

UAE là một trong những nước đầu tiên có Bộ trưởng Hạnh phúc

Không có gì ngạc nhiên khi Bhutan xứng đáng là nước lĩnh xướng phong trào sử dụng chỉ số GNH, dù nền kinh tế của quốc gia này không mấy phát triển. Từ năm 2011, Quốc vương Bhutan đã đề xuất lên LHQ về việc đặt ra một Ngày Hạnh phúc Thế giới hàng năm.

Hưởng ứng lời kêu gọi của Bhutan, năm 2012, Đại hội đồng LHQ quyết định chọn ngày 20/3 hàng năm là Ngày Hạnh phúc Thế giới, đồng thời công nhận “hạnh phúc cả về thể chất lẫn tinh thần là mục tiêu phổ quát, và là khát vọng sống của toàn nhân loại”

Trong những năm gần đây, nhiều quốc gia đã đặt ra mục tiêu về hạnh phúc trong chính sách của mình. Bhutan, Ecuador, Venezuela và Các Tiểu Vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) đều đã bổ nhiệm chức vụ Bộ trưởng Hạnh phúc để tập trung cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân.

Hồng Anh

Nguồn bài viết : Crown Poker Club

Top