Nhiều hộ dân tố Nhà máy xi măng Trung Sơn gây ô nhiễm môi trường?

2025-01-17 20:03:26

Trao đổi với phóng viên (PV), bà Bùi Thị Ngân, sinh sống gần Nhà máy xi măng Trung Sơn bức xúc nói: “Bụi lắm, nhiều khi tôi quét nhà bụi xi măng bay lên sặc đến tận phổi. Ban đêm cũng ồn lắm, mới đầu mấy tháng trời không ngủ được nhưng dần rồi quen. Nhiều hôm ngồi nhà phải bịt khẩu trang vẫn ho sặc sụa…Mỗi ngày đều đặn hai lần, sau tiếng nổ mìn lớn là cả vùng rộng lớn xung quanh rung chuyển, khói bụi mìn và đất đá bắn tung tóe theo gió phủ xuống ruộng đồng…”

Một góc khu vực Nhà máy xi măng Trung Sơn tại xã Trung Sơn, huyện Lương Sơn, tỉnh Hoà Bình

Theo quan sát của PV, khu vực Nhà máy xi măng Trung Sơn được xây dựng đối diện trụ sở UBND xã Trung Sơn, gần khu dân cư đông đúc và Trường tiểu học xã Trung Sơn. Cũng bởi khoảng cách quá gần dân, cùng với việc nhà máy xi măng chưa quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường, môi trường xung quanh bị ô nhiễm nghiêm trọng.

Cán bộ UBND xã Trung Sơn (huyện Lương Sơn – Hoà Bình) cho biết: từ khi Nhà máy xi măng Trung Sơn đi vào hoạt động từ tháng 12/2014 đến nay bà con nhân dân sống xung quanh khu vực nhà máy có đơn kiến nghị, phản ánh hiện tượng gây ô nhiễm môi trường tiếng ồn, khói bụi do Nhà máy xi măng Trung Sơn gây ra.

UBND xã Trung Sơn có Báo cáo 68/BC-UBND ngày 6/7/2015 về một số tồn tại của dự án xây dựng Nhà máy xi măng Trung Sơn. Tuy nhiên, đến nay Nhà máy chưa khắc phục, xử lý triệt để vấn đề người dân phản ánh.

Báo cáo số 68/BC-UBND của UBND xã Trung Sơn, huyện Lương Sơn, tỉnh Hoà Bình (trang 4)

Tại báo cáo số 68/BC-UBND của UBND xã Trung Sơn (huyện Lương Sơn – Hoà Bình) ghi rõ: Trường Tiểu học cách lò nung của nhà máy khoảng 400m, hiện nay do bụi và tiếng ồn đã ảnh hưởng đến chất lượng giảng dạy của giáo viên và học tập của con em địa phương. Nguy hiểm hơn, bụi xi măng có trong không khí làm ảnh hưởng đến sức khoẻ trước mắt một số bệnh về mắt và hệ hô hấp, và còn ảnh hưởng đến sức khoẻ lâu dài của người dân nếu không có biện pháp xử lý hiệu quả.

Theo thầy giáo Nguyễn Văn Thắng – Hiệu trưởng Trường tiểu học xã Trung Sơn phản ánh, để giảm bụi và tiếng ồn, nhà trường phải lắp cửa kính kín. Lúc giảng dạy phải đóng kín cửa, nếu không ồn không học được. Tình trạng này ảnh hưởng lớn đến chất lượng giảng dạy và sức khỏe của thầy cô giáo và học sinh. Nhà trường kiến nghị nhà máy phải xử lý triệt để ô nhiễm hoặc di rời Trường tiểu học ra khu vực khác để đảm bảo công tác giảng dạy, học tập và sức khỏe của thầy cô giáo và các em học sinh.

Báo cáo số 68/BC-UBND của UBND xã Trung Sơn, huyện Lương Sơn, tỉnh Hoà Bình (trang 3)

Trao đổi với PV về phản ánh của người dân nêu trên, ông Bùi Văn Ban – Chủ tịch UBND xã Trung Sơn, cho biết: "Không hiểu thế nào nhà máy bụi thế lại đặt giữa khu dân cư, chúng tôi cũng bó tay. Dân khổ lắm, đúng là tra tấn nhau. Hoạt động của UBND xã cũng bị ảnh hưởng, mở cửa ra ồn quá không làm việc được nhưng mình không kêu được. Mình kêu thì người dân ở sát nhà máy còn vất vả hơn mình nhiều. Tôi chỉ chia sẻ động viên và đề nghị giải pháp thôi. Xã kiến nghị rất nhiều lần. Nhà máy cứ hoạt động thế không thể sống được”.

Trước những kiến nghị, phản ánh của người dân, UBND tỉnh Hoà Bình có văn bản số 4529/VPUBND-TCD về việc giao Sở TN&MT chủ trì, phối hợp với UBND huyện Lương Sơn và các cơ quan có liên quan kiểm tra, xem xét kiến nghị của 19 hộ dân thôn Lộc Môn, xã Trung Sơn về việc nhà máy Xi măng Trung Sơn sản xuất gây ô nhiễm môi trường, khói bụi, tiếng ồn.

Ngày 30/10/2015 Sở TN&MT tỉnh Hoà Bình có văn bản số 1378/STNMT-TTr về việc kiểm tra đánh giá ảnh hưởng đến môi trường do hoạt động sản xuất xi măng của nhà máy xi măng Trung Sơn, đã chỉ ra nhiều tồn tại, vi phạm công tác bảo vệ môi trường: Việc 19 hộ dân xóm Lộc Môn, xã Trung Sơn phản ánh Nhà máy xi măng Trung Sơn gây ô nhiễm môi trường khói bụi, nguồn nước, tiếng ồn là có cơ sở.

Đối với nội dung phản ánh về ô nhiễm nguồn nước nguyên nhân do nước mưa thẩm thấu từ bãi chứa than nguyên liệu tạm thời không có mái che và rãnh thoát nước chảy xuống ao của các hộ dân tiếp giáp ngay tường bao của nhà máy xi măng Trung Sơn.

Đối với hệ thống lọc bụi, tại thời điểm kiểm tra khu vực đóng bao và xuất xi măng hệ thống lọc bụi không hoạt động dẫn đến lượng bụi phát tán ra xung quanh. Khu vực kho tròn đập đá không có mái che chắn tại cửa ra vào, lượng bụi phát thải với độ cao thấp, dễ ảnh hưởng đến các hộ dân xung quanh.

Tại khu bãi chứa vật liệu than tạm, mặc dù đã được bê tông hóa tuy nhiên không có rãnh thoát nước dẫn đến việc thẩm thấu nước than qua tường gây ảnh hưởng xuống ao các hệ dân tiếp giáp.

Đối với hệ thống xử lý nước thải, việc nạo vét các hệ thống kênh rãnh chưa thường xuyên, chưa thực hiện việc xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung để xử lý các chất trong quá trình hoạt động, sản xuất.

Văn bản số 1378/STNMT-TTr của Sở TN&MT tỉnh Hoà Bình, về việc kiểm tra đánh giá ảnh hưởng đến môi trường do hoạt động sản xuất xi măng của nhà máy xi măng Trung Sơn (trang 6)

Lý giải về công tác bảo vệ môi trường của nhà máy, ông Dương Thanh Bình – Phó giám đốc nhà máy xi măng Trung Sơn cho rằng, do nhà máy mới đi vào hoạt động các thông số máy móc chưa ổn định, hiện nay đang trong thời gian phải điều chỉnh vì vậy không thể tránh khỏi trục trặc, sự cố như tiếng ồn do sản xuất, hệ thống lọc bụi.

“Về khói bụi, phía công ty tiếp thu nội dung ý kiến của các hộ dân, trong thời gian tới chúng tôi sẽ quan tâm hơn nữa công tác bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất để giảm thiểu đến ức thấp nhất…” ông Dương Thanh Bình bày tỏ.

Trước đó, Tổng cục Môi trường ban hành kết luận Thanh tra số 369/KLTTr-TCMT ngày 8/9/2015 về thanh tra công tác chấp hành pháp luật về Bảo vệ Môi trường tại Nhà máy xi măng Trung Sơn, đã xác định các vi phạm của nhà máy xi măng Trung Sơn, như:

“Chưa có báo cáo quản lý chất thải nguy hại theo định kỳ; chưa có báo cáo tình hình thực hiện công tác bảo vệ môi trường; chưa có giấy phép sử dụng nước mặt và nước ngầm; Công ty đã xây dựng hệ thống xử lý khí thải, tuy nhiên chưa vận hành thử nghiệm để nghiệm thu công trình; Quản lý chất thải rắn và chất thải nguy hại chưa đúng theo quy định…”.

Với các hành vi vi phạm nêu trên, Đoàn Thanh tra tiến hành lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi không chuyển giao chất thải nguy hại cho đơn vị có giấy phép quản lý chất thải nguy hại quá 12 tháng kể từ ngày phát sinh chất thải nguy hại để vận chuyển, xử lý, tiêu huỷ theo quy định và quyết định xử phạt vi phạm hành chính 90 triệu đồng.

Minh Sơn – Hoàng Văn

Nguồn bài viết : BẮN CÁ

Top